Chủ Nhật, 15 tháng 12, 2013



Đậu Đen
Tên khác của Đậu Đen: Có tên khoa học gồm danh pháp hai phần: Vigna cylindrica Skeels hay là Vigna unguiculata Walp. subsp. cylindrica (L.) Verdc.), thuộc phân họ Đậu (Faboideae), có tên thuốc theo Đông y là ô đậu, hắc đại đậu, hương xị.
Miêu tả cây Đậu Đen: Đậu đen là loài cây phân họ Đậu mọc hằng năm, toàn thân không lông. Lá kép gồm 3 lá chét mọc so le, lá chét giữa to và dài hơn lá chét hai bên. Hoa màu tím nhạt. Quả giáp dài, tròn, trong chứa 7 đến 10 hạt màu đen.
Thành phần hóa học của Đậu Đen: Có chứa albumin, sinh tố A, B, C, PP, protid, glucid, lipid, muối khoáng. Hàm lượng acid amin cần thiết trong đậu đen rất cao gồm: lysin, methionin, tryptophan, phenylalanin, alanin, valin, leucin.
Công dụng của Đậu Đen: Đậu Đen tính hơi ôn, vị ngọt, qui kinh thận, có tác dụng trừ thấp giải độc, bổ thận, bổ huyết, chữa được cước khí, bồi bổ cơ thể.
- Có tác dụng khử độc sulfates: Do có chứa khoáng chất vi lượng molypden – một thành phần của enzyme sulfile oxidate nên có tác dụng rất tốt trong việc khử độc sulfates (sunfit) cho cơ thể. Đây là hóa chất có nhiều trong thực phẩm chế biến sẵn không có lợi cho con người, làm tăng nhịp tim, gây đau đầu hoặc rối loạn chú ý. Nếu ai cơ thể nhạy với sunfit thì phải bổ sung để nó khử độc. Một bát đậu đen có chứa tới 172% nhu cầu khoáng chất molypden cần thiết cho cơ thể mỗi ngày.
- Thực phẩm giàu chất xơ: Trong số những loại thực phẩm giàu chất xơ thì đậu đen được xem là “ứng cử viên” đầu bảng, rất có ích cho quá trình chuyển hóa glucose ở bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường, bằng chứng sau khi ăn xong không hề xuất hiện tình trạng tăng đường huyết. Qua nghiên cứu các nhà khoa học phát hiện thấy, chất xơ hòa tan có khả năng hấp thụ nước trong dạ dày và hình thành ra loại gel làm giảm quá trình chuyển hóa carbohydrate có trong đậu đen. Sự có mặt của chất xơ còn làm giảm cholesterol, nó liên kết với acid mật – thành hần làm tăng cholesterol. Do không được cơ thể hấp thụ nên khi đào thải ra ngoài, chất xơ mang theo cả acid mật và kết quả hàm lượng cholesterol của cơ thể giảm theo. Ngoài ra, do có chứa các chất xơ không hòa tan nên đậu đen có tác dụng giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh táo bón, rối loạn tiêu hóa và các chứng bệnh khó chịu có liên quan.
- Giàu chất chống oxy hóa: Một nghiên cứu công bố trên tạp chí Nông nghiệp và Hóa thực phẩm (JAFC) của Hoa Kỳ đầu tháng 3 vừa qua cho biết, đậu đen là thực phẩm rất giàu chất chống oxy hóa, hợp chất này có tên là anthocyanins giống như có trong nho, quả mâm xôi, dâu tây… Đặc biệt đậu càng đen, càng thẫm màu thì lại càng giàu chất anthocyanins, chất chống oxy hóa ở đậu đen cao gấp 10 lần các loại thực phẩm khác như: cam, nho hoặc dâu.
- Giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch: Một nghiên cứu được thực hiện ở 16.000 đàn ông trung tuổi thuộc 7 quốc gia trong vòng 25 năm, do các nhà khoa học quốc tế thực hiện cho thấy những người ăn nhiều cá, đậu đen, rau xanh, ngũ cốc và sử dụng rượu vang điều độ là nhóm người giảm được tới 82% nguy cơ mắc bệnh tim mạch, so với nhóm người ăn ít nhóm thực phẩm nói trên, đặc biệt là thực phẩm họ đậu, lý do là đậu đen có chứa nhiều chất xơ. Lợi thế của đậu đen là cung cấp chất xơ, folate và magie giúp làm giảm hormocystein, một loại acid amino hay còn gọi là sản phẩm trung gian không có lợi cho quá trình chuyển hóa và một khi hormocystein tăng thì rủi ro mắc bệnh tim, đột quỵ là rất lớn.
- Tăng cường năng lượng cho cơ thể và ổn định lượng đường huyết: Ngoài lợi ích cho hệ tiêu hóa, tim mạch, chất xơ hòa tan có trong đậu đen có tác dụng ổn định lượng đường trong máu. Trường hợp cơ thể kháng insulin mắc bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) thì nên tăng cường ăn đậu đen, nó sẽ giúp cơ thể tiêu thụ năng lượng một cách chậm hơn và cuối cùng ổn định lượng đường huyết. Tại Mỹ, người ta đã thực hiện một nghiên cứu đối chứng những người mắc bệnh ĐTĐ týp 2 được chia làm 2 nhóm, nhóm ăn theo tiêu chuẩn quy định đối với người ĐTĐ, khẩu phần ăn có 24g chất xơ/ngày và một nhóm khác dùng tới 50g chất xơ/ngày. Kết quả hai nhóm đều giảm lượng đường huyết và insulin nhưng ở nhóm sau lượng cholesterol toàn phần giảm được gần 7%, triglycerid giảm 10,2% và hàm lượng cholesterol xấu giảm 12,5%.
- Tăng cường sắt và măng- gan cho cơ thể: Đậu đen có tác dụng rất tích cực trong việc làm tăng năng lượng và hồi phục hàm lượng sắt cho cơ thể và rất hữu ích cho nhóm người bị mất máu bởi chấn thương, hoặc cho phụ nữ giai đoạn hành kinh cũng như cho nhóm người tuổi vị thành niên đang trong giai đoạn phát triển. Măng-gan, vi lượng có trong đậu đen được xem là yếu tố vô cùng quan trọng giúp cơ thể tạo năng lượng và chống lại quá trình oxy hóa do các gốc tự do gây nên. Một bát nhỏ đậu đen có thể cung cấp tới 38% nhu cầu măng-gan cho cơ thể mỗi ngày.
- Nguồn bổ sung protein cho cơ thể: Không chỉ ngon miệng, dễ chế biến, đậu đen còn là nguồn thực phẩm thay cho thịt, cá vì nó giàu hàm lượng protein hứu ích, không có chứa hàm lượng calo quá cao hoặc các loại mỡ xấu như các loại thực phẩm gốc động vật và như trên đã đề cập, nó rất có lợi cho nhóm người ăn kiêng.
Bài thuốc từ Đậu Đen:
- Chữa đau bụng dữ dội: đậu đen 50g, sao cháy hoặc sắc với rượu uống, có thể sắc với nước rồi pha thêm rượu vào uống.
- Chữa lưng sườn bỗng dưng đau nhói: Đậu đen 200g, sao vàng, ngâm rượu uống.
- Chữa trúng phong cấm khẩu, không nói được, tâm phiền hoảng hốt, tay chân không cử động hoặc đau bụng, đầy hơi, hoặc có lúc ngất đi rồi lại tỉnh: Đậu đen lớn hạt, nấu bỏ bã lấy nước, cô thành cao mà ngậm, dùng lâu ngày mới công hiệu.
- Chữa trúng phong, thình lình tay chân co rút không cựa được: Ðậu đen xanh lòng 3 thăng cho vào chõ đồ, đổ vào 2 thăng giấm, đang khi nóng bưng đổ xuống đất rồi trải chiếu lên đậu cho bệnh nhân nằm; đắp mền áo nhiều lớp, chờ khi đậu nguội thì lấy bớt mền dần dần, nhưng phải cho một tay vào mền để xoa nắn, kéo chỗ bị co rút; rồi lại đổ đậu làm như thế và cho uống thang trúc lịch, thực hiện như vậy 3 ngày là khỏi.
- Chữa thương hàn thuộc về âm độc nguy cấp: Ðậu đen sao thơm, chế rượu vào, cho uống nóng. Nếu uống vào bị nôn ra thì cho uống lại, đến khi mồ hôi ra được thì thôi.
- Chữa trúng hàn: Ðậu đen sao cháy. Ðang lúc còn nóng, chế rượu vào uống rồi trùm mền lên cho ra mồ hôi là khỏi.
- Chữa phong thấp, gân co gối nhức, trong bụng nóng, đại tiện bón: Ðậu đen ngâm nước, ủ cho mộng dài 2-3 tấc rồi phơi khô, dùng 1 thăng rồi cho nửa lạng giấm vào trộn đều, sao vàng tán nhỏ. Mỗi lần uống 1 muỗng nhỏ với rượu trước khi ăn, ngày uống 2, 3 lần, tác dụng rất hay.
- Chữa uốn ván do trúng phong, cảm thấp mà sinh bệnh, người ngay đơ, thẳng cứng, cấm khẩu như bệnh động kinh: Ðậu đen 1 thăng sao hơi chín, tán nhỏ cho vào chõ nấu đến khi lên hơi thì lấy xuống, cho 3 thăng rượu vào ngâm. Uống ấm 1 thăng cho ra mồ hôi rồi dùng thuốc cao mà dán.
- Chữa bệnh cổ trướng, bụng trướng do ăn nhầm các loại cá độc: Ðậu đen sắc với nước uống lúc còn ấm.
- Chữa ngộ độc do ăn rau quả: Ðậu đen tán nhỏ, ngâm rượu, vắt lấy nước cốt nửa thăng.
- Chữa bất tỉnh do say rượu: Ðậu đen 1 thăng sắc lấy nước uống cho nôn ra thì khỏi.
- Chữa ngộ độc ô dầu, phụ tử, thiên hoàng, nấm dại: Ðậu đen 2 vốc cho vào ăn, uống hoặc sắc lấy nước uống là khỏi.
- Chữa phù thũng, nằm ngồi không yên: Ðậu đen 1 thăng, nước 5 thăng, nấu còn 3 thăng, chế vào 5 thăng rượu, lại nấu còn 3 thăng. Chia làm 3 lần và uống nóng, uống đến khi lành mới thôi.
- Chữa phù thũng thở gấp, đại tiểu tiện bế gắt: giá Đậu đen phơi khô sao giấm, đại hoàng sao đều lượng bằng nhau, tán bột, mỗi lần uống 2 đồng. Dùng rễ cỏ tranh, trần bì sắc làm thang để lợi tiểu.
- Chữa thượng tiêu hỏa bức, khạc ra máu hay ứ máu buồn phiền, khô ráo, khát nước: Ðậu đen 1 vốc, tử tô 2 cành, ô mai 2 quả, nước 3 bát. Sắc còn 6 phần. Giã gừng sống lấy nước 1 chén, hòa vào và chia uống dần sau bữa ăn.
- Chữa thượng tiêu có nhiệt, khạc ra máu hoặc ra đờm có máu, buồn phiền, háo khát: Ðậu đen 3 vốc, tử tô cành và lá 1 nắm, ô mai 2 quả, nước 1 bát. Nấu chín rồi hòa vào 1 muỗng nước gừng. Uống dần sau khi ăn.
- Chữa trĩ ra máu (trường phong hạ huyết): Ðậu đen xanh lòng, dùng bồ kết sắc lấy nước và tẩm một chốc. Sau đó đem đậu sao vàng, xát bỏ vỏ tán nhỏ, rán mỡ heo và luyện làm viên bằng hột ngô đồng, mỗi lần uống 30 viên với nước gạo tần mễ rất công dụng.
- Chữa đau đầu: Ðậu đen 3 phần sao hơi có khói, ngâm với 5 phần rượu, đậy kín 7 ngày rồi uống hết.
- Chữa bụng đau như bị đánh: Ðậu đen nửa thăng sao cháy, rượu 1 thăng. Nấu sôi uống cho say sẽ lành.
- Chữa tiêu chảy hoắc loạn, trên không thổ được, dưới không tả được, toát mồ hôi lạnh, sắp chết: Ðậu đen 1 vốc, nghiền sống hòa với nước rồi uống.
- Chữa đau lưng, xương sống đau nhức quá không cử động được: Ðậu đen xanh lòng 1 đấu, chia làm 3 phần sao, 1 phần luộc, 1 phần đồ chín, thêm 3 đấu rượu cho vào bình, dùng nồi lớn đổ nước vào mà chưng cách thủy nửa giờ. Ðể nửa tháng mới uống, uống nhiều hay ít tùy sức.
- Chữa mất ngủ: Ðậu đen nấu nóng cho vào 1 cái túi đen để gối đầu, khi nguội lại thay.
- Chữa bệnh đái tháo đường: 1. Ðậu đen tán nhỏ dồn vào một cái túi mật bò, phơi trong bóng râm 100 ngày, làm thành viên. Mỗi sáng uống 1 viên, uống hết là khỏi. Bài thuốc có tác dụng kinh trị chứng tiêu khát, mỗi ngày uống đến 1 thạch nước. 2. Ðậu đen, thiên hoa phấn. Hai vị đều nhau tán nhỏ khuấy hồ. Làm thành viên bằng hạt ngô đồng, mỗi lần dùng 70 viên, sắc với nước đậu đen uống mỗi ngày 2 lần rất công hiệu. Bài thuốc có tác dụng kinh trị tiêu khát do thận hư, rất khó chữa.
- Kinh trị âm chứng bí phương: Ðậu đen bất cứ nhiều hay ít, sao già rồi đổ rượu vào, đậy kín lại cho khỏi bay mất hơi, chờ nguội uống rất hay.
Món ăn ngon và bổ từ Đậu Đen:
- Chè đậu đen: Món chè ngon ăn mùa hè với đá rất mát, ăn nóng mùa đông cũng thích hợp. Nguyên liệu cần: 300g đậu đen; 80g đường cát trắng; 1/2 thìa cà phê muối; 1 lon nước cốt dừa (200ml); 1 thìa cà phê bột năng.
Bước 1: Đậu đen vo sạch với nước, nhặt bỏ những hạt nổi trên mặt nước.
Bước 2: Ngâm đậu đen qua đêm với nước lạnh, lúc ngâm thêm vào chút muối.
Bước 3: Hôm sau đổ ra rổ cho ráo nước, đổ nước lạnh ngập mặt đậu.
Bước 4: Đun đến khi hạt đậu mềm, đổ từ từ đường vào nồi đậu, đun lửa nhỏ để đậu thấm đường.
Bước 5: Trộn nước cốt dừa với chút muối, đường và một thìa cà phê bột năng, đun lửa nhỏ để nước cốt dừa đặc lại.
Bước 6: Đậu mềm, múc ra bát dùng nóng, bên trên múc vào 1 đến 2 thìa nước cốt dừa.
- Súp rau và đậu: Các loại đậu đầy sắc màu xanh, đen, trắng, đỏ. kết hợp với rau củ làm nên sự phong phú và cung cấp nhiều dưỡng chất cho những món chay từ đậu. Nguyên liệu cần: 200g đậu đen – 50g nấm đông cô – 1 củ cà rốt – 50g khoai tây – 1 thìa cà phê muối – 2 thìa cà phê hạt nêm – 1/2 thìa cà phê đường – 1 thìa cà phê bột năng – 1 thìa cà phê tiêu.
Bước 1: Đậu đen ngâm nở, luộc mềm. Nấm đông cô rửa sạch, cà rốt, khoai tây gọt vỏ. Tất cả xắt hạt lựu cùng bắp non.
Bước 2: Đun sôi 2 chén nước lạnh, cho đậu đen, nấm đông cô, cà rốt, khoai tây vào nấu mềm, nêm muối, hạt nêm, đường vừa ăn. Hoà bột năng với 1 thìa súp nước lạnh từ từ đổ vào nối súp, đun nhỏ lửa đến khi tạo thành hỗn hợp sền sệt, tắt bếp.
Bước 3: Múc ra chén, dùng nóng.
- Canh đỗ đen ngô non: Một bát canh bổ dưỡng với đỗ đen và ngô non cho bạn cảm giác dễ chịu, vị ngọt tự nhiên khi ăn, rất thích hợp trong tiết trời giao mùa này.
Nguyên liệu cần: 2 thìa dầu ăn; 1 củ hành tây cỡ vừa; bóc vỏ thái nhỏ; Rau mùi thái nhỏ; Cần tây; 1 củ cà rốt thái nhỏ; Vài nhánh tỏi, băm nhỏ; Cà cua hộp hoặc cà chua tươi thái nhỏ; 2 chén nước dùng gà; 100 gr đỗ đen; 1 chén ngô ngọt; Muối tiêu, ớt.
Bước 1: Đỗ đen rửa sạch, ngâm nở
Bước 2: Đỗ đen có thể được hầm riêng với nồi áp suất để nhừ nhanh hơn, tiết kiệm thời gian nấu món canh này.
Bước 3: Cho dầu ăn vào nồi, đun nóng. Cho tỏi vào phi thơm rồi sau đó cho cà cà rốt vào đảo trước rồi cho hành tây vào tiếp, nêm chú gia vị, xào đến khi hành trở nên trong và cà rốt mềm là được. Bước 4: Cho thêm 1 quả ớt nếu bạn ăn được cay
Bước 5: Nếu bạn không hầm đỗ đen trước thì cho đỗ đen vào đun với nước dùng gà, độ 10 phút rồi cho cà chua vào, để sôi vừa trong 10 phút nữa, nêm nếm gia vị.
Bước 6: Khi đỗ đen đã chín mềm thì cho ngô ngọt vào cùng. Tiếp đó cho phần cà rốt và hành vừa xào vào chung, đun nồi canh thêm 5 phút, cho cần tây và rau mùi vào rồi tắt bếp.
Ăn với cơm hay bánh mỳ đều ngon

0 nhận xét:

Đăng nhận xét