Thứ Bảy, 20 tháng 12, 2014


Thảo dược thiên nhiên được sản xuất từ lá, củ, rễ, vỏ, hoa của cây thuốc đã được nhiều nước sử dụng để trị liệu hữu hiệu các chứng bệnh phổ biến như ho, cảm...
Trong ngành công nghệ dược phẩm nước ta cũng vậy, để trị ho người ta thường chọn những loại dược phẩm có nguồn gốc từ tinh dầu của các cây thuốc đã được minh chứng qua hàng trăm năm qua như Bạc hà, Tần dày lá, Gừng, Tràm… Sử dụng Menthol trích ly từ tinh dầu bạc hà để làm dịu ho, làm loãng niêm dịch, điều trị cảm sốt, viêm họng, ho, kích thích tiêu hóa.

Gừng với tác dụng điều trị cảm mạo, làm ra mồ hôi, chữa mất tiếng, chống cảm lạnh và chống nhiễm khuẩn trong các chứng ho, sổ mũi. Tần dày lá (còn gọi là húng chanh) là một dược liệu chữa cảm cúm, ho hen. Điều đó hoàn toàn khả thi nếu biết cách áp dụng một nhóm hoạt chất có tác dụng toàn diện trên đường hô hấp, vừa thanh trùng, long đờm lại thêm chống co thắt phế quản. Đó là các loại tinh dầu trong thực vật! Việc sử dụng các tinh dầu trích ly từ 4 loại thảo dược trên như bạc hà, tần, gừng, tràm…cho phép sản phẩm trị ho đa dạng như kẹo ngậm, siro hoặc viên nang mềm đáp ứng được yêu cầu tiện lợi cho người sử dụng.

Để đảm bảo chất lượng, hiệu quả và an toàn của từng sản phẩm từ dược liệu đến tay người tiêu dùng, DHG Pharma kiểm soát chặt chẽ toàn chuỗi cung ứng, từ nguyên liệu đầu vào đến thành phẩm bằng hệ thống đảm bảo chất lượng đạt tiêu chuẩn GMP-WHO, thực hành tốt sản xuất thuốc theo khuyến cáo của tổ chức Y tế thế giới.

Từ sự hỗ trợ của dự án Thương mại sinh học BIOTRADE vì chất lượng và an toàn của dược liệu, đồng thời “chia sẻ lợi ích cùng người thu nhập thấp” DHG Pharma đã phát triển vùng trồng Dược liệu tại Tri Tôn – An Giang mà mô hình khởi điểm là cây Tần dầy lá với diện tích hơn 30 ha.

Từ mô hình ban đầu DHG Pharma đã phối hợp với các đơn vị như Viện Dược Liệu, Phòng Nông nghiệp, Trạm BVTV địa phương, cùng với đội ngũ cán bộ kỹ thuật công ty;, hỗ trợ huấn luyện bà con nông dân về các kỹ thuật trồng trọt, thu hái, quản lý cây dược liệu theo tiêu chuẩn GACP – WHO. Bên cạnh đó, DHG Pharma còn đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành Xưởng Sơ Chế dược liệu tại vùng trồng và chiết xuất tại chỗ nhằm đảm bảo chất lượng dược liệu theo yêu cầu.

DHG Pharma hy vọng dự án này sẽ góp phần tạo nguồn nguyên liệu sạch để người dân được sử dụng các sản phẩm điều trị có chất lượng tốt nhất; đồng thời tạo được công ăn việc làm ổn định cho người nông dân ở Huyện Tri Tôn, Tỉnh An Giang.




Tạp chí y khoa trực tuyến Open Heart mới đây đã công bố kết quả nghiên cứu cho thấy, ăn đường cũng gây ảnh hưởng xấu đến tim mạch, có thể làm tăng huyết áp.
Kết quả này khuyến cáo những bệnh nhân có những vấn đề sức khoẻ trên cần cân nhắc không chỉ đối với việc dùng muối mà cả ăn đường trong khẩu phần ăn của mình.

Trưởng nhóm tác giả nghiên cứu trên, chuyên gia James DiNicolantonio cho biết, đường thậm chí còn có hại đến sức hơn cả muối. Tiêu thụ đường làm tăng lượng insulin. Từ đó kích thích hệ thống thần kinh, làm tăng lượng máu lưu thông và tăng huyết áp. 

Đường còn có thể tiêu trừ các phân tử ATP, là phân tử mang năng lượng, có chức năng vận chuyển năng lượng đến các nơi cần thiết cho tế bào sử dụng.

Chuyên gia James DiNicolantonio nói rằng, cách tốt nhất là mọi người nên giảm lượng đường tiêu thụ bằng cách hạn chế hoặc không dùng những loại thực phẩm bổ sung đường.

Chuyên gia tim mạch Jennifer Haythe ở thành phố New York thì không hoàn toàn đồng ý với kết luận của nghiên cứu trên. Cô cho rằng, không nên so sánh đường với muối đối với ảnh hưởng lên tim mạch và chứng tăng huyết áp. Mỗi yếu tố có một mức độ tác động riêng lên từng người. Theo cô, chỉ có thể cảnh báo người bệnh cẩn thận khi quyết định dùng một loại thực phẩm nào có lượng đường cao.

Việc so sánh cũng đã gây tranh cãi trong giới chuyên gia y khoa.


.

Thứ Tư, 17 tháng 12, 2014

Không phải lúc nào uống nước lạnh cũng tốt. Vậy thời điểm nào bạn nên uống nước lạnh và thời điểm nào bạn nên uống nước ấm.


[​IMG]

Khi bạn làm việc hay luyện tập ngoài trời nắng nóng, uống một cốc nước đá mát lạnh sẽ giúp bạn cảm thấy thật sự sảng khoái. Khi bạn muốn giảm cân, thì một cốc nước lạnh cũng giúp bạn tiêu tốn một lượng calo đáng kể. Tuy nhiên, không phải lúc nào uống nước lạnh cũng tốt. Vậy thời điểm nào bạn nên uống nước lạnh và thời điểm nào bạn nên uống nước ấm?

Những thời điểm tốt nhất để uống nước lạnh

Luyện tập

Trong khi luyện tập, nhiệt độ cơ thể (core body temperature) cao, đổ mồ hôi là cơ chế mà cơ thể chúng ta sử dụng để làm mát mình, nhưng chúng ta lại mất rất nhiều nước và chất điện giải. Nhấm nháp một chút nước lạnh trong một buổi tập luyện vừa giúp cơ thể bù được lượng nước mất vừa giúp làm mát cơ thể.

Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí của Hiệp hội Quốc tế về Dinh dưỡng và Thể thao đã so sánh nước ở nhiệt độ phòng và nước lạnh mà những người luyện tập uống trong buổi tập. Các nhà nghiên cứu đã tìm ra rằng những người uống nước lạnh có thể giữ được nhiệt độ cơ thể xuống 50% lâu hơn so với những người uống nước ở nhiệt độ phòng.

Sốt

Uống nước lạnh khi bạn sốt là một cách để làm mát cơ thể. Điều quan trọng là phải giữ được nước khi bạn sốt bởi khi đó cơ thể bạn đang làm việc vất vả để loại bỏ bất kể “kẻ ngoại xâm” nào có thể gây hại cho cơ thể bạn.

Khi bạn quá nóng, thì uống một cốc nước lạnh có thể trở thành một “vị cứu tinh” cho cơ thể của bạn. Bạn có thể vắt một chút chanh tươi và cho một chút muối vào cốc nước lạnh để bù điện giải cho cơ thể.

Giảm cân

Uống nước lạnh đã được chứng minh rằng có thể thúc đẩy trao đổi chất và giúp đốt cháy thêm 70 calo mỗi ngày. Dù đây không phải là một phép lạ chữa bệnh béo phì, nhưng nó giúp bạn tiết kiệm được thời gian. Một người có trọng lượng trung bình 65 kg thì cần 15 phút chạy bộ để đốt cháy 70 calo.

Vậy nên, uống một cốc nước lạnh chính là một cách đơn giản, hiệu quả hỗ trợ bạn trong quá trình giảm cân bên cạnh các biện pháp giảm cân khác.

Những thời điểm tốt nhất để uống nước ấm

Tiêu hóa

Y học đã chứng minh rằng uống nước ấm vào buổi sáng giúp kích thích tiêu hóa. Tiến sĩ Susan E. Brown cũng cho biết uống nước lạnh trong bữa ăn có thể ảnh hưởng xấu đến quá trình tiêu hóa.

Uống nước ấm sẽ tốt hơn bởi nếu bạn uống nước lạnh, cơ thể đòi hỏi phải có nhiều năng lượng để làm ấm các loại thực phẩm mà bạn ăn, do đó mất nhiều thời gian hơn để cơ thể bạn tiêu hóa và hấp thụ.

Thanh lọc cơ thể

Khi bạn muốn làm sạch các tạp chất của cơ thể, điều quan trọng trước hết là bạn phải uống đủ lượng nước. Tiến sĩ Mark Hyman khuyên bạn nên uống nước ở nhiệt độ phòng với một ít nước chanh vắt vào. Điều này đòi hỏi cơ thể bạn không mất nhiều năng lượng để đồng hóa.

Chanh cũng giúp kích thích tiêu hóa và loại bỏ độc tố. Trong khi thanh lọc, bạn có thể bổ sung thêm một số chất để làm sạch nước uống. Bạn có thể thêm vài lát dưa chuột hoặc bạc hà tươi, hoặc một thanh quế, vừa giúp thanh lọc nước vừa giúp nước có hương vị tuyệt vời hơn.

Giảm đau

Uống nước nóng hay nước ấm rất tốt nếu bạn đang bị đau nhức hoặc viêm ở đâu đó. Nước ấm sẽ giúp kích thích sự lưu thông máu đến các mô. Đây cũng là liều thuốc tuyệt vời để điều trị đau bụng kinh.

Táo bón

Uống nước ấm khi bạn đang bị táo bón có thể giúp bạn dễ dàng hơn khi đi vệ sinh. Nguyên nhân chính của táo bón là tình trạng mất nước, do đó trước hết bạn cần uống đủ lượng nước cơ thể cần. Nước ấm sẽ giúp kích thích lưu thông máu và có tác dụng làm dịu những cơn khó chịu do táo bón gây ra.
Suy thận mạn là hậu quả của các bệnh mạn tính của thận gây giảm sút từ từ số lượng nephron chức năng, làm giảm dần mức độ lọc cầu thận.
Suy thận mạn là hậu quả của các bệnh mạn tính của thận gây giảm sút từ từ số lượng nephron chức năng, làm giảm dần mức độ lọc cầu thận. Suy thận mạn gây rối loạn chuyển hóa và giảm đào thải nitơ phi protein như urê, axít uric, creatinin...

Thận không còn đủ khả năng duy trì tốt sự cân bằng của nội môi và sẽ dẫn đến hàng loạt những biến loạn về sinh hóa và lâm sàng của các cơ quan trong cơ thể.

Bệnh tiến triển một cách âm thầm trong một thời gian dài mà không có triệu chứng rõ rệt. Nếu không khám định kỳ, rất khó có thể phát hiện được bệnh.

Nguyên nhân do đâu?

Ngoài nguyên nhân bẩm sinh thì có rất nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến suy thận mạn tính như: Chế độ ăn nhiều muối, đường, protid, lipid, ít vận động...

Hoặc một số bệnh lý mạn tính như: đái tháo đường, tăng huyết áp, mỡ trong máu, nhiễm khuẩn đường niệu, bệnh về mạch máu, bệnh tim, viêm cầu thận, hồng cầu hình liềm, béo phì, dùng thuốc kháng viêm - giảm đau thường xuyên, sử dụng quá nhiều thuốc, nhất là nhóm thuốc chống viêm nhiễm (NSAID) cũng là nguyên nhân ảnh hưởng đến khả năng lọc thận, dẫn đến suy thận.


ngannguabenhthanmantinh.png ​

Người bệnh thận mạn tính nên dùng các thực phẩm như na, đu đủ, dứa, thanh long.

Dấu hiệu nhận biết

Suy thận mạn tính có thể không trở thành rõ ràng cho đến khi chức năng thận có ảnh hưởng đáng kể. Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu của suy thận mạn tính, có thể có vài dấu hiệu hoặc triệu chứng sau:

Khi mắc người bệnh thường tiểu nhiều vào ban đêm, tiểu khó, tiểu dắt, buốt, nước tiểu có bọt, lượng nước tiểu nhiều hơn hoặc ít hơn bình thường; nước tiểu có máu, màu sậm hoặc có khi đục, nhất là buổi sáng.

Người bệnh cảm thấy mệt mỏi do tình trạng thiếu máu hoặc do tích tụ nhiều chất cặn bã trong cơ thể do chức năng thận suy giảm. Ngủ không ngon giấc, thay đổi tính tình. Chán ăn, ăn không ngon miệng và hay có cảm giác buồn nôn, đặc biệt là khi ăn thịt, cá...

Ngoài ra, người bệnh có thể tăng huyết áp, theo nhiều công trình nghiên cứu, trên 80% suy thận mạn tính có tăng huyết áp, trong đó 20% tăng huyết áp kịch phát. Những trường hợp không tăng huyết áp thường gặp trong suy thận do viêm ống kẽ thận mạn tính, rối loạn chức năng tái hấp thu nước và điện giải, đái nhiều, mất nước và điện giải.

Chân bị phù, mắt có bọng nước xung quanh vì cơ thể giữ nước. Thường có cảm giác ngứa ngáy, dễ bị bầm và thấy màu da tái hơn bình thường. Hơi thở có mùi amoniac. Giảm ham muốn tình dục và yếu sinh lý...

Nhiều biến chứng nguy hiểm

Suy thận mạn tính có thể ảnh hưởng đến hầu hết các phần của cơ thể. Biến chứng có thể bao gồm: giữ nước, mà có thể dẫn đến phù, huyết áp cao hoặc phù phổi. Sự tăng đột ngột nồng độ kali trong máu, mà có thể làm giảm chức năng tim và có thể đe dọa tính mạng.

Ngoài ra, biến chứng hầu hết tại nhiều cơ quan trong cơ thể như: hệ tiêu hóa (viêm trợt hoặc loét đường tiêu hóa do urê máu cao, chảy máu đường tiêu hóa); hệ thần kinh (trầm cảm, xuất huyết não do tăng huyết áp, nhồi máu não do vữa xơ động mạch, hôn mê do urê máu cao); hệ nội tiết (rối loạn kinh nguyệt, giảm hưng phấn tình dục, rối loạn dung nạp đường huyết, cường chức năng tuyến cận giáp thứ phát.); hệ tim mạch, bệnh nhân bị suy tim ứ huyết, dày và giãn thất trái, thiếu máu cơ tim, viêm màng ngoài tim khô hoặc tràn dịch, rối loạn chức năng tâm trương thất trái, rối loạn nhịp tim, ngừng tim do kali máu tăng, suy tim trái cấp (phù phổi cấp), vữa xơ động mạch. Tử vong do bệnh lý tim mạch chiếm 40 - 60% số bệnh nhân điều trị bằng lọc thận nhân tạo chu kỳ tử vong.

Do giai đoạn đầu bệnh thường không gây ra triệu chứng gì khiến người bệnh thường phát hiện muộn hoặc tình cờ khám sức khỏe định kỳ. Những xét nghiệm cơ bản như: nước tiểu, máu và các xét nghiệm hình ảnh (chụp Xquang) mới có thể phát hiện bất kỳ vấn đề gì đang phát triển.

Tuy nhiên, cả các xét nghiệm này đều có giới hạn. Chúng thường được sử dụng chung để phát hiện ra tính chất và mức độ của bệnh thận.

Vì vậy, khi có những biểu hiện nghi ngờ và những người bệnh có tiền sử mắc bệnh mạn tính nằm trong nhóm nguy cơ cao cần phải được kiểm tra thường xuyên về sự phát triển của căn bệnh này.

Phòng bệnh như thế nào

Đối với người mắc bệnh mạn tính và có nguy cơ cao thì cách phòng ngừa hiệu quả nhất là cần điều trị tốt những bệnh dẫn đến suy thận.

Nguyên tắc của chế độ ăn: Giảm đạm, dùng protein quý có giá trị sinh học cao để đảm bảo đủ axít amin cơ bản cần thiết và có tỷ lệ hấp thu cao như trứng, sữa, cá, thịt nạc, tôm...

Giàu năng lượng: 35 - 40kcal/kg cân nặng/ngày. Đủ vitamin, yếu tố vi lượng, chống thiếu máu. Đảm bảo cân bằng nước, muối, ít toan, giàu canxi, ít phốtphát.

Bổ sung các thực phẩm có đạm quý như thịt, cá, trứng, sữa nhưng số lượng ít. Sử dụng nhiều chất bột ít đạm như khoai lang, khoai sọ, khoai tây, bột sắn dây, miến dong. Gạo, mì chỉ ăn ít.

Chất béo (dầu, mỡ, bơ) chiếm 20 - 25% tổng năng lượng khẩu phần và có thể hơn nếu ăn được qua chế biến thức ăn. Dùng dầu ăn 25 - 30g/ngày qua chế biến thức ăn. Nên dùng các loại rau cải, dưa chuột, bầu bí, su hào.

Quả nên dùng: na, đu đủ, hồng đỏ, thanh long, dưa hấu. Trường hợp nếu có tăng kali máu phải bỏ rau quả. Tăng lượng canxi bằng cách dùng tôm, cá, sụn... Nước uống: ngang hoặc ít hơn lượng nước đái ra hàng ngày. Ăn nhạt khi có phù, tăng huyết áp, suy tim.

Thực phẩm cần tránh:

Ăn nhiều muối sẽ dẫn đến việc giữ nước trong cơ thể, tăng áp suất các mạch máu. Vì vậy, chỉ nên ăn 2 - 4g muối mỗi ngày. Cần tránh ăn các thức ăn có phốtphát như gan, bầu dục; thức ăn nhiều đạm thực vật như đậu đỗ.

Rau quả: bỏ các loại chua và không nên ăn rau nhiều đạm như rau ngót, rau giền, rau muống, giá đỗ, các loại đậu đỗ. Lưu ý, nếu tăng kali máu phải hạn chế rau, quả.

Để phòng tránh nguy cơ mắc bệnh, cần uống đủ lượng nước cần thiết từ 2,5 - 3 lít mỗi ngày, tốt nhất là nước lọc. Cố gắng đừng nhịn tiểu, bởi nhịn tiểu lâu sẽ làm bàng quang và thận quen với việc quá tải, từ đó ảnh hưởng đến việc lọc canxi trong nước tiểu.

Giảm thực phẩm chứa nhiều oxalat như: trà, cà phê, chocolate, bột cám, ngũ cốc, rau muống. Nhiều người nghĩ rằng, sự gia tăng đáng kể mức tiêu thụ canxi trong bữa ăn hàng ngày sẽ làm tăng nguy cơ hình thành sỏi thận.

Nhưng thực tế, ăn những thực phẩm chứa canxi như: phô mai, sữa, sữa chua... lại giúp giảm nguy cơ hình thành sỏi thận. Vì vậy, không nên quá kiêng cữ thực phẩm chứa nhiều canxi vì sẽ gây ra mất cân bằng trong việc hấp thụ canxi, khiến cơ thể tăng cường hấp thụ oxalat từ ruột, dễ gây sỏi thận.

Ngoài ăn uống, duy trì tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày (tốt nhất là buổi tối sau khi ăn khoảng hai giờ) bằng các loại hình vận động nhẹ nhàng như đi bộ nhanh, chạy chậm, tập khí công, yoga... cần duy trì cuộc sống khỏe mạnh, năng động bằng cách tăng cường vận động, tập thể dục để giảm mỡ trong máu.