Theo đông y, rau muống có vị ngọt nhạt, tính mát có tác dụng giải nhiệt, thông đại tiểu tiện, chữa táo bón, đái rắt. Trong rau muống có nhiều chất dinh dưỡng như: protein, lipid, tro, canxi, phốt pho, sắt, kali và các vitamin B1, B2, C2, PP và nhiều acid amin.
Những bài thuốc trị bệnh hay từ rau muống.
Thanh nhiệt giải độc: Ăn rau muống luộc tốt cho bà mẹ có thai thiếu sắt, bà mẹ đang cho con bú, người bị táo bón, tiểu đục, tăng huyết áp, nhịp tim nhanh, trẻ còi xương (lấy nước rau muống quấy bột).
Chứng kiết lỵ : Thường gặp mùa hè thu (ban đầu bị tiêu chảy do thấp nhiệt sau chuyển sang kiết lỵ, phân có nhầy màu đỏ trắng, đau thắt bụng): lấy một bó rau muống tươi nhặt rửa sạch, thêm một ít vỏ quýt khô để lâu (trần bì) nấu với nhiều nước, lửa nhỏ trong vài giờ rồi uống.
Đau dạ dày, nóng ruột, ợ chua, miệng khô đắng: Rau muống 20g, rau má 20g, rau sam 16g, cỏ mực 20g, vỏ quýt khô 12g. Tất cả sao qua cho vào ấm, đổ 500ml nước, sắc còn 250ml chia 2 lần uống lúc đói.
Chảy máu cam, ho nôn ra máu, đại tiểu tiện ra máu, trĩ, lỵ ra máu: Giã rau muống uống nước cốt hoặc thêm đường, mật ong.
Khí hư bạch đới: Rau muống cả rễ 500g, hoa râm bụt trắng 250g hầm với thịt lợn hoặc thịt gà, ăn thịt uống nước.
Đái tháo đường: Rau muống 60g, râu ngô 30g nấu nước uống (rau muống tía tốt hơn rau muống trắng).
Quai bị: Rau muống 200 – 400g luộc kỹ, ăn cả cái lẫn nước. Có thể pha đường vào nước rau.
Lở ngứa, loét ngoài da, zona: Ngọn rau muống và lá cây vòi voi rửa sạch giã nhuyễn với ít muối đắp lên.
Rôm sảy mẩn ngứa, sởi, thủy đậu ở trẻ em: Dùng nước nấu rau muống xoa, rửa, tắm. Rau muống một bó rửa sạch, thái nhỏ; gà lông vàng, chân vàng, da vàng 1 con làm sạch mổ moi bỏ lòng, nhồi rau muống vào, hầm nhừ, thêm ít rượu. Khi chín bỏ rau ăn thịt gà. Ăn độ 3 con choai choai (gà giò).
Làm mất tác dụng của những thuốc đã uống, giải độc: Rau muống rửa sạch giã nát, vắt lấy nước uống.
Chữa vết thương, vết mổ sâu rộng: Ăn rau muống hằng ngày kích thích sinh da chóng đầy miệng (những trường hợp có cơ địa sẹo lồi không nên dùng trong thời gian chưa liền sẹo).
Giảm đường máu: Bệnh nhân tiểu đường nên dùng rau muống thường xuyên.
Chữa dị ứng bội nhiễm ngoài da: Rau muống tươi một nắm rửa sạch, đun sôi kỹ, để vừa ấm, rửa chỗ thương tổn. Hoặc: Rau muống 30g, râu ngô 15g, mã thầy (củ năn) 10 củ. Sắc uống hằng ngày đến khi khỏi.
Trẻ nóng nhiệt ra nhiều mồ hôi: Rau muống 100g, mã thầy 500g, sắc lấy nước cho trẻ uống thay nước trong ngày.
Thanh nhiệt lương huyết, cầm máu, chữa tâm phiền, chảy máu mũi, lưỡi đỏ rêu vàng, khát nước mát, ù tai chóng mặt: Rau muống 150g, cúc hoa 12g, đun sôi 20 phút lọc lấy nước (có thể cho chút đường hòa vào cùng uống trong ngày).
Trị bệnh trĩ: Lấy 100g rau muống nấu nhừ gạn lấy nước, cho 120g đường trắng, nấu lên thấy sánh như kẹo mạch nha lấy uống, ngày hai lần, mỗi lần 100g…
Sốt, khó thở: Rau muống, mướp đắng, hai thứ lượng bằng nhau, rửa sạch, giã nát đắp lên ngực hoặc trán sẽ giảm sốt và khó thở.
Mụn nhọt: Rau muống tươi giã nát với mật ong vừa đủ. Ðánh nhuyễn đắp vào chỗ đau.
Nhuận tràng: Dùng rau muống luộc, xào, hoặc nấu canh ăn hàng ngày.
Nước tiểu đục: Rau muống tươi rửa sạch, giã nát lấy nước, cho thêm ít mật ong, quấy đều uống. Mỗi lần 30 – 50ml. Uống trong 5 – 7 ngày.
Cầm máu, lưỡi đỏ rêu vàng, ù tai chóng mặt: Rau muống 150g, hoa cúc 12g, nước vừa dùng, đun sôi lửa to 20 phút. Lọc lấy nước uống. Có thể cho thêm chút đường.
Những trường hợp dùng rau muống nên thận trọng
- Huyết áp thấp, huyết áp cao, nhịp tim chậm.
- Suy nhược nặng, hư hàn.
- Với vết thương, mụn nhọt đang trong quá trình lành, rau muống có thể làm sẹo lồi xấu.
- Đang uống thuốc Đông y, nếu ăn rau muống sẽ làm giã thuốc, nhất là khi trong thuốc có vị độc cần thiết để chữa bệnh (độc trị độc) và sẽ làm giảm hiệu quả điều trị.